Tổ In ấn và Phát hành kinh sách là đơn vị thuộc Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh. Được thành lập từ năm 1992, đến nay đã tròn 20 năm. Với nhiệm vụ chính là góp phần hoằng dương Chánh pháp, trong 5 năm qua, Tổ In ấn và Phát hành kinh sách (gọi tắt là Tổ In ấn) đã cung ứng hơn 3,6 triệu bản in các bộ kinh điển Đại thừa, nghi thức tụng niệm, sách nghiên cứu Phật học, lịch sử và triết học Phật giáo. Nhân Đại hội đại biểu Phật giáo thành phố kỳ VIII, HT.Thích Tịnh Hạnh, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Kinh tế – Tài chánh THPG, Tổ trưởng Tổ In ấn và Phát hành kinh sách cho biết:
Từ ngày đầu hình thành, năm 1992 cho đến nay, nhiệm vụ chính của Tổ In ấn (lúc đó gọi là Ban In ấn, đến năm 1998 mới đổi thành danh xưng như hiện nay) là in và cung cấp các loại kinh sách đã được chư vị dịch giả, tác giả biên soạn để truyền bá Chánh pháp của Phật, dựa trên tôn chỉ xuyên suốt là “Hoằng pháp độ sanh”.
Những năm đầu xây dựng, Tổ In ấn được đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước về quy định xuất bản, những kinh sách được in ấn phải thông qua Thành hội Phật giáo nhằm đảm bảo về nội dung của các ấn phẩm. Trải qua nhiều khó khăn về kinh phí trong thời gian đầu, song với tâm huyết cùng chung lo Phật sự của chư tôn đức và các vị thành viên, Tổ In ấn đã đạt được sự phát triển vượt bậc sau gần 20 năm hoạt động. Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây (từ 2008 – 2012) hơn 370 đầu Kinh với số lượng trên 3,6 triệu cuốn của Tổ In ấn đã được xuất bản. Riêng năm 2012, Tổ In ấn đã ấn tống 10.000 cuốn kinh Pháp hoa, Dược sư và Vu lan mới trong chương trình cúng dường Pháp bảo.
Trong suốt quá trình 20 năm phát triển, có lẽ dấu son lớn nhất mà Tổ In ấn đã thực hiện được đó là việc phổ biến một cách rộng rãi 3 tạng Kinh, Luật và Luận của chư tôn đức đã được dịch ra Việt ngữ. Trong các sách Phật học mà Tổ In ấn đã in và phát hành, đặc biệt phải nói đến bộ Phật học phổ thông của cố HT.Thích Thiện Hoa – một bộ toàn thư giáo lý căn bản và phổ thông rất cần thiết cho mỗi người Phật tử, cho những ai tìm hiểu đạo Phật đều cần đọc và học. Công việc của Tổ In ấn đã và đang làm đóng góp tích cực cho ngành hoằng pháp, một ngành mũi nhọn của Ban Trị sự THPG, như HT.Thích Trí Quảng, Trưởng ban Trị sự đã định hướng và chỉ đạo.
HT.Thích Tịnh Hạnh: Định hướng phát triển về lâu dài của Tổ In ấn vẫn hoạt động theo tôn chỉ duy nhất: “Hoằng pháp độ sanh”. Ngoài ra, chúng tôi đang hướng đến việc bảo vệ và xin tác quyền của chư tôn đức Hòa thượng trước khi tiến hành đối chiếu và rà soát lại bản in và phát hành các ấn phẩm cao quý này đến quý Tăng Ni, Phật tử. Chúng tôi sẽ quản lý chặt chẽ hơn ở góc độ tác quyền, nhằm đảm bảo giá trị của các bộ kinh, sách được xuất bản; đồng thời tránh tình trạng sao chép, in ấn tràn lan, kém chất lượng, chỉ vì mục đích lợi nhuận trước mắt.
Trong xu thế kinh tế thị trường như hiện nay, tình trạng sao chép, nhại bản in đã gây không ít khó khăn cho Ban điều hành Tổ In ấn. Chúng tôi chọn in ấn ở nhà in lớn, in trên giấy chất lượng, còn phải thực hiện nghĩa vụ tác quyền, nghĩa vụ về ấn phẩm với các cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản… cho nên chi phí các ấn phẩm khi phát hành cho Tăng Ni, Phật tử không thể thấp hơn giá bán của một số cơ sở in lậu bên ngoài được. Để khắc phục, chúng tôi chọn giải pháp sẽ đầu tư tốt hơn nữa cho khâu chăm lo chất lượng của các ấn phẩm, trong ý niệm Pháp bảo là một trong Tam bảo, đáng tôn quý. Hiện nay, Tổ In ấn có một Ban Biên tập, gồm một số chư tôn đức Tăng Ni có sự am hiểu sâu về Phật học để biên tập và sửa lỗi chính tả, và có đội ngũ thiết kế trình bày mỹ thuật… Cùng với điều kiện kỹ thuật in tốt sẽ góp phần đảm bảo hình thức cũng như chất lượng cho các ấn phẩm, đặc biệt là các ấn phẩm kinh điển ngày càng tốt hơn.
Những năm gần đây, khi vấn đề in ấn kinh sách được mở rộng, ai cũng có thể in hoặc ấn tống hoặc dịch thuật một kinh điển nào đó, thậm chí là sao chép, làm giả hoặc mạo danh để phát hành hàng loạt… những việc làm này đã gây nên sự bất ổn định. Những ấn phẩm do Tổ In ấn thực hiện đã bị sao chép như vậy khá nhiều. Do đó, phần nào ảnh hưởng không tốt tới cách nhìn của chư Tăng Ni, Phật tử dành cho Tổ In ấn bị làm cho sai lệch đi; thậm chí nhiều nơi còn mạo danh Tổ In ấn để phát hành. Điều này gây ảnh hưởng không ít đến uy tín và sự phát triển của Tổ In ấn.
Trong tương lai, Tổ In ấn sẽ phát triển và xây dựng một mạng lưới phát hành rộng khắp các tỉnh thành, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu về kinh sách, cũng như góp phần truyền bá tôn chỉ đã nói được sâu rộng hơn, vì lợi lạc cho số đông.